Cảm biến nhiệt độ
Nhiệt độ chỉ có thể đo được bằng cách đo gián tiếp dựa vào sự phụ thuộc của tính chất vật liệu vào nhiệt độ. Để đo nhiệt độ, người ta thường sử dụng các cảm biến nhiệt độ ( hay còn gọi là đầu dò nhiệt độ ). Trong cảm biến nhiệt độ bao gồm nhiều loại cảm biến khác nhau như thermistor, cặp nhiệt điện, nhiệt điện trở, nhiệt kế bức xạ, … Mỗi loại có một nguyên lý làm việc khác nhau, nhưng đều tuân theo một thang đo nhiệt độ nhất định (Kelvin, Celsius, Fahrenheit)
Đối với các loại cảm biến nhiệt thì có hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác đó là nhiệt độ môi trường cần đo và nhiệt độ cảm nhận của cảm biến. Điều đó nghĩa là việc truyền nhiệt từ môi trường vào đầu đo của cảm biến nhiệt tổn thất càng ít thì cảm biến đo càng chính xác. Điều này phụ thuộc lớn vào chất liệu cấu tạo nên phần tử cảm biến (cảm biến nhiệt đắt hay rẻ cũng do nguyên nhân này quyết định). Đồng thời một nguyên tắc được đưa ra khi sử dụng cảm biến nhiệt đó là: phải luôn đảm bảo sự trao đổi nhiệt giữa môi trường cần đo với phần tử cảm biến.
Xét về cấu tạo chung thì cảm biến nhiệt độ có nhiều dạng, tuy nhiên, loại cảm biến được ưa chuộng nhất trong các ứng dụng thương mại và công nghiệp thường được đặt trong khung làm bằng thép không gỉ, được nối với một bộ phận định vị, có các đầu nối với bộ phận định vị, có các đầu nối với các thiết bị đo lường.